Nếu xem Harry Potter và Huckleberry Finn là hai tác phẩm đại diện cho hai nền văn học thiếu nhi Anh và Mỹ, thì chúng ta sẽ có một sự so sánh thú vị: Trong trận chiến nhằm giành lấy trái tim của hàng triệu độc giả nhỏ tuổi, một bên là cậu bé phù thuỷ tại một học viện phép thuật ở cao nguyên Scotland, và bên kia là cậu bé chân trần xuôi dòng Mississippi, gặp gỡ những kẻ lừa đảo, buôn bán nô lệ và trộm cắp. Một bên đánh bại cái ác bằng cây đũa phép, còn bên kia sử dụng chiếc bè để chống lại những bất công trong xã hội. Cả hai cậu bé mồ côi này đều chinh phục thế giới văn học thiếu nhi Anh ngữ, nhưng bằng hai cách hoàn toàn khác nhau.
Kho tàng văn học Anh không thiếu những chuyện kể ly kỳ dành cho trẻ em: Alice ở xứ sở thần tiên, Winnie-the-Pooh, Peter Pan, Người Hobbit, Harry Potter, và Narnia. Thú vị thay, tất cả đều thuộc về thể loại văn học kỳ ảo (fantasy). Trong khi đó, các câu chuyện thiếu nhi kinh điển của Hoa Kỳ lại ít có yếu tố phép thuật hơn. Những tác phẩm như Tiếng gọi nơi hoang dã, Mạng nhện của Charlotte, hay Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, nổi tiếng vì sự phác hoạ chân thực cuộc sống thường nhật tại các thị trấn và nông trại miền viễn tây.
Nếu trẻ em Anh tụ tập quanh ánh sáng bếp lò để nghe kể chuyện về thanh kiếm phép thuật và những con gấu biết nói, thì trẻ em Mỹ lại tựa đầu lên gối mẹ để nghe những câu chuyện có lồng ghép thông điệp đạo đức, trong một thế giới khổ cực, nơi sự tuân phục và các giá trị Thiên chúa giáo được tôn vinh. Mỗi phong cách đều có những giá trị riêng, song cách tiếp cận của người Anh chắc chắn khiến cho trí tưởng tượng của độc giả nhỏ tuổi bay xa hơn.
Tất cả đều bắt nguồn từ di sản văn hoá đặc thù của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, người Anh luôn gắn bó với văn hoá dân gian ngoại giáo (pagan), theo bà Maria Tatar, giáo sư văn học thiếu nhi và văn hoá dân gian thuộc Đại học Harvard. Dù gì đi nữa, câu chuyện về nguồn gốc nước Anh là về một vị vua trẻ được chỉ dạy bởi một pháp sư. Huyền thoại luôn đan xen với lịch sử, từ Merlin đến Macbeth. “Trong khi người Anh đắm chìm trong những thế giới đầy mê hoặc này, thì người Mỹ, thực dụng hơn, luôn xem đất đai của họ như một thứ gì đó để khai thác,” bà Tatar nói. Người Mỹ được định hình bởi tư duy làm việc của Kháng Cách giáo (Protestant) trong các câu chuyện như Pollyanna hay The Little Engine That Could.
Người Mỹ cũng viết truyện kỳ ảo, nhưng không hề giống với người Anh, theo ông Jerry Griswold, giáo sư danh dự chuyên ngành văn học thiếu nhi thuộc Đại học Tiểu bang San Diego. “Văn học Mỹ bắt nguồn từ chủ nghĩa hiện thực (realism); ngay cả văn học kỳ ảo cũng bắt nguồn từ chủ nghĩa hiện thực,” ông lấy ví dụ nhân vật Dorothy đã vạch mặt Phù thuỷ xứ Oz vĩ đại và quyền năng là một kẻ lừa đảo.
Văn học kỳ ảo Mỹ khác biệt ở chỗ: Chúng thường kết thúc với một bài học đạo đức – chẳng hạn như chú voi Horton trong các tác phẩm dí dỏm của Dr. Seuss: “Một con người dù nhỏ bé thế nào thì cũng vẫn là một con người,” và, “Tôi nghĩ những gì tôi nói, và tôi nói những gì tôi nghĩ. Một con voi trung thành một trăm phần trăm.” Ngay cả nhân vật The Cat in the Hat cũng vãn hồi trật tự khỏi sự hỗn loạn ngay trước khi mẹ về nhà. Ở xứ Oz, sứ mệnh của Dorothy kết thúc với bài học: “Không đâu bằng nhà mình.” (“There’s no place like home.”)
Địa lý đóng một vai trò quan trọng: Vùng nông thôn cổ xưa của Anh, với những toà lâu đài rải rác và những trang trại ấm cúng, tạo cảm hứng cho những câu chuyện cổ tích. Từ quan điểm của bà Tatar, người Anh bị quyến rũ bởi những cánh đồng xinh đẹp của họ: “Hãy nghĩ về Beatrix Potter nói chuyện với những con thỏ trong hàng rào, hay chú gấu Winnie-the-Pooh của A.A. Milne lang thang trong khu rừng Hundred Acre Wood.” Không phải ngẫu nhiên mà J.K. Rowling lại đặt ngôi trường Hogwarts trong Harry Potter ở vùng Cao nguyên Scotland hoang dã ma quái. Lewis Carroll lấy ý tưởng từ những khu vườn cổ kính, những dòng sông êm ả và những hành lang ẩn giấu của Đại học Oxford để vẽ nên thế giới kỳ quái trong Alice in Wonderland.
Ngược lại, thiên nhiên hùng vĩ của nước Mỹ lại cô quạnh, thưa thớt và ít ma mị hơn. Những nhân vật sống ở những dãy núi tím và đồng bằng phì nhiêu đều có thật: Chú lừa Brighty ở Grand Canyon, viên cảnh sát Boston điều khiển giao thông trong Make Way for Ducklings, và cô dâu mang tình yêu đến cho những đứa trẻ cô đơn ở một trang trại miền Trung Tây trong Sarah, Plain and Tall. Không có rồng, đũa phép, hay cây dù của Mary Poppins.
Kể từ khi Bruno Bettelheim giảng giải về ý nghĩa tâm lý của truyện cổ tích trong cuốn The Uses of Enchantment, các nhà tâm lý học đã xem việc kể chuyện như một công cụ quan trọng mà trẻ em sử dụng để vượt qua nỗi lo lắng về thế giới người lớn. Những câu chuyện cổ tích kỳ ảo được xem như những mô tả chân thực về nỗi sợ hãi của trẻ em về sự ruồng bỏ, bất lực và cái chết.
Ngày nay, có nhiều lý do để người ta tìm đến văn học kỳ ảo. Với nỗi sợ hãi khủng bố sau ngày 11/9 và sự nóng lên toàn cầu, giáo sư Griswold cho rằng các tác giả Mỹ đang ngày càng chuyển sang một thể loại văn học kỳ ảo đen tối hơn – thế giới dystopia (phản địa đàng) trong The Hunger Games, The Giver, Divergent, và The Maze Runner. Giống như sự sụp đổ của Toà tháp đôi, đây là những câu chuyện buồn và gieo rắc nỗi sợ về thế giới post-apocalyptic (hậu tận thế) đang sụp đổ, những bộ não được cấy chip máy tính phản ánh sự lo lắng về một xã hội tiêu dùng được hỗ trợ bởi mạng xã hội. Nếu trẻ em sử dụng những câu chuyện cổ tích để xử lý nỗi sợ hãi của mình, những thế giới dystopia này (cùng với những anh hùng trong đó) sẽ trao cho chúng niềm hy vọng để đối mặt với những vấn đề lớn lao trong cuộc sống.
Tác giả: Colleen Gillard Lược dịch: Đăng Trình
Nguồn: https://www.theatlantic.com/entertainment/archive/2016/01/why-the-british-tell-better-childrens-stories/422859/
From time immemorial, I’ve been drawn to the secret world of books – the world that surpasses space and time. Writing came naturally as a by-product of extensive and intensive reading. On this blog you can read some of my works in English and Vietnamese. View all posts by dangtrinh0612
Published