Trở Lại Định Nghĩa Chữ Tiếu Lâm
Từ điền Bách Khoa Việt Nam (NXB từ điển bách khoa HN – 2005) (ở trang 631 (Q4)) không định nghĩa riêng chữ tiếu lâm, mà có truyện tiếu lâm trong định nghĩa chung của truyện cười dân gian Việt Nam (vần T)… Chuyện tiếu lâm (Joke book)
Trong HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN của Đào Duy Anh (Trường Thi xuất bản 1957) có ghi Tiếu Lâm là tên một bộ sách chép toàn truyện cười.
Có người chiết tự chữ Hán ra mà dịch nghĩa : Tiếu (cười), Lâm (rừng) là : Rừng cười.
Lại có người nói Tiếu Lâm là để chỉ riêng cho những truyện cười dân gian có dính dáng đến Dâm và Tục. Như vậy phải hiểu Tiếu Lâm theo định nghĩa nào?
Truyện cười dân gian Việt Nam gần đây đã được xuất bản khá nhiều : Ngoài Bắc có : Tiếng cười dân gian Việt Nam, Truyện Tiếu Lâm, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai Tứ Xuất, Thanh Hoá có : Xiển Bột, Quảng Nam – Đà Nẵng có : Thủ Thiệm. Trong Nam có : Truyện ông Ó, Chú Ba Phi v.v…
Những truyện ấy đã được nhiều người đọc, nhiều người hiểu. Nếu có ai đó kể lại, chẳng qua là thêm thắt vô một ít chi tiết cho có vẻ lạ chút chút thôi. Nghe nhiều lần rồi cũng hết cười.
Trong một buổi làm việc tập thể đào đắp mương ở ngoài trời. Hai tay hai chân lao động liên tục nhưng cái mồm cái tai rất ư rảnh rỗi. Sau khi hát, hò chán chê, mấy phút im lặng chỉ nghe tiếng thở phì phò nặng nhọc. Bỗng có ai đó hô lớn :
– Anh năm ơi, kể chuyện tiếu lâm nghe chơi !
Vừa nghe nói hai tiếng TIẾU LÂM là thính giả đã chuẩn bị cười rồi. Trong dân gian ít có ai nói KỂ CHUYỆN CƯỜI NGHE CHƠI. Vì người ta cho CHUYỆN CƯỜI là chỉ mức độ bình thường, cười vừa phải, không có hoặc ít có yếu tố Dâm Tục. Còn ngược lại, Tiếu Lâm thì có cái đó.
Truyện Tiếu Lâm có thể là do người dân bịa. Bịa ra để cười chơi. Đã là chuyện bịa thì không có giới hạn : Từ đúng đắn cho tới dâm tục. Có khi rất tục. Tục đến nỗi con gái nghe phải đỏ mặt mắc cỡ (nhưng vẫn thích lắng tai nghe thử).
Như vậy, theo chúng tôi, Tiếu lâm là một bộ phận đáng kể trong nguồn TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN VIỆT NAM. Hơn thế nữa, TIẾU LÂM còn là truyện cười dân gian mang nhiều yếu tố dâm tục. Có nhà phê bình đã nhận xét: Cái Tục là một trong những thuộc tính của truyện cười dân gian loại Tiếu Lâm.
Các quyển truyện cười dân gian hoặc truyện Tiếu Lâm Việt Nam (tập 1 và 2) đã xuất bản, mặc dù ai cũng biết có sự tồn tại hiện hữu trong dân chúng, nhưng ai cũng tránh né không ai ghi ra giấy những truyện tiếu lâm tục (vì có vấn đề gạn đục khơi trong). Nhưng những truyện đó vẫn không hề biến mất. Mới tháng trước đây chúng tôi đã đi tham gia gặt lúa với nông dân huyện Tây Hoà (Phú Yên). Trong khi làm, Người nông dân đã đem những truyện ấy kể cho nhau nghe. Lập tức nhiều trận cười nở ra. Sau cái cười thì mệt nhọc hình như giảm bớt. Việc này chứng tỏ cho ta thấy TRUYỆN TIẾU LÂM (tục) có sức sống dai là có thực chứ không hề tàn lụi trong lòng dân. Họ kể để họ cười vả để làm gì nữa ? Để trước hết là mượn tiếng cười quên mệt nhọc, tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể, nhờ đó tăng năng suất công việc. Và cũng là để gián tiếp nhắc nhở nhau THẤY XƯA CHỪA NAY. Làm cho những cái xấu, cái ác, cái bỉ ổi ngày càng ít đi, để cho cái nhân tố mới tốt đẹp hơn có điều kiện sinh sôi nảy nở trong đời sống xã hội. Như vậy, trong một số trường hợp, truyện TIẾU LÂM TỤC cũng có tác dụng góp phần tăng năng suất lao động. Ta không nên phủ nhận nó.
VII/ XUẤT XỨ CỦA TRUYỆN TIẾU LÂM TỤC Ở ĐỊA PHƯƠNG :
Trước 1945 tỉnh Phú Yên nằm trong giải đất Miền Trung, thực dân Pháp gọi là nước An Nam (từ Thanh Hoá đến Bình Thuận). Ở đây thực dân Pháp vẫn cho duy trì bộ máy cai trị vua quan của Nam Triều, nhưng dưới quyền kiểm soát của nhà nước Bảo Hộ do một viên công sứ Pháp đứng đầu. Và người Pháp Nắm giữ các chức chủ chốt như Lãnh binh, Mật thám, kho bạc… dưới quyền người Pháp, về phía Nam Triều ở các tỉnh có quan Tuần Vũ, Án sát, bố chánh. Ở các phủ, huyện có quan tri phủ, Tri huyện, thầy đề, thầy lại, lính lệ v.v .. Ở tổng thì có chánh tổng, phó tổng, xuống xã thì có lí trưởng, phó lý, ngũ hương (hương kiểm, hương bộ, hương mục, hương thơ, hương bổn). . Dưới những chức sắc đó, xã hội bấy giờ còn nảy nòi ra nhiều hạng kệch kỡm chuyên môn hiếp đáp, áp bức dân lành, làm cho dân chúng ghê tởm, khinh ghét. Chính đó là những cái đích cho họ đưa vào truyện tiếu lâm. Như hạng trọc phú (ham rể giàu nhưng dốt), phù thuỷ rởm (ham gái), thày lang băm (dâm dục), thày cúng (ham ăn) v.v…
Các tỉnh Miền Trung từ lâu đã nghe nói câu : “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa thiên ních hết”. Chính vì vậy ở Phú Yên lưu truyền trong dân chúng những câu truyện về quan xứ kiện đòi ăn hối lộ. Đã ăn hối lộ lại đòi của ngon (chê xôi, đòi ăn thịt) …
Trong truyện TIẾU LÂM (tục) ta thấy rõ vũ khí tiếng cười đã áp đảo kẻ thù bằng cách gây dư luận đả kích chúng mạnh mẽ. Tiếng cười đó đã biến kẻ thù thành Bia Miệng. Mà TRĂM NĂM BIA ĐÁ THÌ MÒN, NGÀN NĂM BIA MIỆNG VẪN CÒN TRƠ TRƠ. Như vậy, Tiếu lâm (tục) vừa gây cười, vừa thể hiện một khoái cảm thắng lợi, vừa hạ diệt (cái xấu). Càng cười thoải mái bao nhiêu, càng đáp ứng được cái khuynh hướng gây hứng thú trong cuộc sống bấy nhiêu.
(Trích bài báo của Đỗ Lai Thuỷ)
KHOÁI CẢM THẮNG LỢI THỂ HIỆN RA CÁC KIỂU CƯỜI
Về kiểu cách cười, trong thiên hạ cũng có nhiều loại cười rất khác nhau :
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI VÔ TƯ SẢNG KHOÁI như : Cười ha hả, cười hả hê, cười sằng sặc, cười dòn tan, cười như nắc nẻ, cười hồn nhiên, cười thoải mái, cười khoái trá, cười rổn rảng, cười sang sảng, cười rạng rỡ, cười cởi mở, cười hở mười cái răng, cười hết cỡ, cười ngặt nghẽo, cười híp mắt, cười dài, cười góp, cười khà, cười khanh khách, cười khè, cười khì, cười nôn ruột, cười ngất, cười phá lên, cười như bắp rang, cười ồ, cười ra rả, cười rè, cười rộ, cười xoà, cười hềnh hệch …
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI HÌNH NHƯ RIÊNG Ở NAM GIỚI như: Cười khùng khục, cười hô hố, cười khơ khớ,…
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI TƯỞNG CHỈ DÀNH CHO NỮ GIỚI như : Cười duyên, cười ruồi, cười e ấp, cười e lệ, cười thẹn thùng, cười lỏn lẻn, cười nụ, cười tình, cười rúc rích …
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI CHƯA HẾT CỠ, như : cười thầm, cười nửa miệng, cười mủm mỉm, cười chúm chím, cười mím chi, cười rỉ rả, cười khúc khích, cười khục khặc …
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI NGHE CHÓI TAI như : cười the thé, cười như xé vải, cười rần rật, cười sặc sụa …
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI RA NƯỚC MẮT, như : cười gượng, cười méo xẹo, cười não nuột, (khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt), cười giã biệt, ngậm cười nơi chín suối… cười héo hắc…
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI TỎ RÕ THÁI ĐỘ, như : cười độ lượng, cười mai mỉa, cười ngạo mạn, cười khinh khỉnh, cười khẩy, cười mát, cười mũi, cười nhạt, cười khan, cười khô khốc, cười huề, cười bả lả, cười xã giao, cười đãi bôi, cười đưa đẩy, cười trừ, cười cợt, cười gằn … cười gượng.
CÓ NHỮNG CÁI CƯỜI ĐÁNG GHÉT, như : cười xảo quyệt, cười ranh mãnh, cười gian ác, cười nịnh bợ, cười cầu tài, cười đểu cáng, cười nhăn nhở, cười rậm rật, cười dâm dật, cười đĩ thoã, cười lơi lả, cười lẳng lơ, cười mơn trớn…
TRONG DÂN GIAN TA CÓ NHỮNG CÂU CA DAO NÓI VỀ CƯỜI :
– Phòng trong sớm mở tối gài,
Ai cười KHÚC KHÍCH để phòng ngoài ngẩn ngơ ?
– Bắp non xao xác trỗ cờ,
Thương nhau xin chớ nhởn nhơ CƯỜI TRỪ!
– Đứng xa kêu bớ em Mười
Thương hay không thương, em nói thiệt, chớ đững CƯỜI ĐẨY ĐƯA!
– Phất phơ ngọn cỏ gió lùa,
Thấy em CƯỜI GƯỢNG anh chua xót lòng !
– Cây tre nhặc mắt, gió quặt, ngọn tre oằn,
Nghe anh cất tiếng CƯỜI GẰN, em trở gót thối lui.
-Thứ Nhứt là đạo làm người
Dù no dù đói vẫn CƯỜI như không.
– Thấy em có cục duyên ngầm
Nụ CƯỜI CÓ NGHĨA, anh quên mần, bỏ ăn.
– Con quạ nó núp vườn chồi
Thấy em đứng CƯỜI LỎN LẺN với ai ?
– Cô kia CƯỜI CỢT ghẹo trai
Cái miệng méo xẹo như quai chèo đò.
– Cóc nghiến răng còn động lòng trời,
Anh say em có điệu CƯỜI MÍM CHI.
– Bông cúc nở trước sân, con bướm vàng hút nhuỵ
Thấy miệng em CƯỜI HỮU Ý, anh thương.
– Tưởng đâu bến đã gặp thuyền,
Nào hay em CƯỜI LẢNG NHÁCH, anh liền lui ghe.
– Chuồn chuồn đậu ngọn cau tơ,
Anh CƯỜI BẢ LẢ, em ngờ duyên anh.
– Chiều chiều ra đứng vườn cà,
Thấy anh CƯỜI LẠT, trở vô nhà hốt muối em ăn.
– Thà rằng chịu cảnh gông xiềng
Còn hơn có vợ CƯỜI VÔ DUYÊN tối ngày.
– Ra đường lắm chuyện bực mình
Về nhà gặp vợ CƯỜI TÌNH cũng no.
– Thôi thôi tình phải buông lơi,
Chưa chi em đã vội CƯỜI TOÉT TOE.
– Ngó lên búi tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng CƯỜI GIÒN, anh mê
– Tóc em dài, em cài hoa thiên lý,
Thấy em CƯỜI HIỀN, anh để ý anh thương.
– Con kiến vàng bò ngang đám bí,
Thấy miệng em CƯỜI ẨN Ý, anh đỡ lo.
– Bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu,
Thấy miệng em CƯỜI, trời biểu anh thương.
– Chẳng tham nhà ngói rung rinh,
Tham về cái nỗi em xinh miệng CƯỜI
– Miệng cười em đáng mấy mươi,
Chân đi đáng nén, CHÚM CHÍM CƯỜI đáng trăm.
– Đàn bà cười SANG SẢNG tiếng đồng,
Chẳng khó đường chồng cũng khó đường con.
– Ông phật ngồi trên án MỦM MỈM CƯỜI,
Áo em em bận, sao mấy người xỏ tay ?
Share this:
Twitter
Facebook
Thích bài này:
Thích
Đang tải…